Xuất hiện với dáng dấp và hình hài là một nhân vật tiểu thuyết trong tác phẩm cùng tên của đại thi hào Lev Tolstoy, nhưng liệu rằng, cuộc đời của nàng Anna Karenina có chỉ dừng lại trên những trang sách, hay nó đủ sức mạnh để vượt qua cả vòng biên giới ấy và trở thành tiếng nói đanh thép trước thực tại xã hội đầy oan trái với người phụ nữ?
Truy tìm tự do…
“Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng”. Anna có một gia đình tưởng chừng như là hạnh phúc với Karenina, một người đàn ông giàu có và thành đạt. Cô sắm vai 1 người vợ tốt: xinh đẹp, kiều diễm và đúng cung cách chừng mực của 1 quý phu nhân. Cứ thế ngày qua ngày, cô mải đắm mình trong vở kịch “Hôn nhân lợi ích” ấy. Thân xác cô vốn vẫn là phu nhân Anna Karenina, nhưng tâm hồn cô có lẽ đã trở thành nàng Anna năm mười tám: một nàng Anna tràn đầy niềm tin và hy vọng, một nàng Anna tự do bay nhảy trước tương lai cao rộng. Thế rồi, nàng quyết định ly hôn, quyết ra đi kiếm tìm tự do mà mình hằng chôn giấu. Như con bướm được giam cầm trong lồng kính tưởng chừng như là vô hại ấy, nó dũng cảm thoát ra, bắt đầu chuyến hành trình vạn dặm mà có lẽ nó sẽ chẳng bao giờ hối tiếc. Dẫu chẳng chắc chắn rằng, con bướm ấy có thể sống sót qua những cơn bão tuyết, hay những ngày nắng khan rọi thẳng vào cánh bướm mỏng tang, ỏng ẹo của nó, duy nó biết, nó muốn được bay trên chính đôi cánh của nó, sống một cuộc đời của nó!
Truy tìm tình yêu…
“Chao ôi! Thật ghê sợ, cô ấy sẽ không phải là vợ của ai nữa, đời cô ấy thế là bỏ đi!”. Từ khi nào, mà cuộc đời một người phụ nữ lại gắn liền cuộc hôn nhân? Từ khi nào mà cuộc đời một người phụ nữ lại gắn liền với nghĩa vụ là phải là 1 người vợ, phải đứng bên cạnh 1 người đàn ông? Từ khi nào, mà họ đã mất đi cái quyền được sống với trái tim của chính mình? Nhưng Anna thì khác! Con bướm kiều diễm ấy đã dũng cảm thoát khỏi vùng an toàn, đã dũng cảm vượt qua bao sóng gió nghìn trùng, cất cánh đến miền đất hứa. Và theo dòng chảy nơi trái tim đang rạo rực và khao khát được yêu, cô đã gặp đại úy Vronsky. Sau bao nhiêu vụn vỡ, đớn đau, sau bao nhiêu lần vở kịch hôn nhân được vén màn, giờ đây cô mới thực sự hiểu được thế nào là cảm giác được yêu, được hạnh phúc, được thực sự là Anna mà chẳng phải đeo bất kì chiếc mặt nạ nào. Được sống, được yêu, chẳng phải là một quyền cơ bản của con người sao? Cớ sao, phút giây này với Anna lại lạ lẫm vô cùng: cô lạ lẫm trong chính bản thân mình, nhưng cũng lo sợ niềm hạnh phúc nhỏ nhoi này sẽ vỡ tan ngay khi bình minh ló dạng.
Truy tìm số phận…
Thoát khỏi vòng tay của người chồng vô cảm đã khó, thoát khỏi cái vòng định kiến của xã hội còn khó hơn. Vòng xoay định mệnh lại một lần nữa đưa nàng về điểm xuất phát: một con bướm bị giam cầm trong sự nghiệt ngã của số phận, của lí trí và trái tim. Tình yêu mà nàng hằng ngóng trông giờ đây lại là thứ khiến nàng không còn tin vào bản thân mình. Trước sức ép của dư luận, trước những nỗi lo sợ, nghi ngờ lẫn nhau, Vronsky quyết định từ giã nàng sau bao xích mích và cãi vã dồn nén. Anna đi tìm chàng, băng qua bao cảnh sắc chàng và nàng cùng đồng hành, và rồi dừng lại ở nơi bắt đầu, nơi chàng và nàng đã gặp nhau, nơi những đoàn tàu song song vội vã chẳng cắt nhau, nơi bánh xe cuộc đời vẫn cứ thế quay, và rồi cuốn Anna về chốn tự do mà nàng hằng mong ước. Cái chết của Anna vô cùng tĩnh lặng, một cái chết không có những tiếng khóc ai oán nỉ non, thậm chí cũng chẳng có tiếng thét đớn đau của thể xác, bởi tất cả những thanh âm đau đớn ấy, suy cho cùng cũng sẽ bị lấn át bởi tiếng ồn của nhà ga, của đoàn tàu vội vã cập bến. Cái chết tĩnh lặng nhưng không im lặng, nó là một cái chết có tiếng nói – nói lên cái bất công, cái oan trái, nói lên cái thực tại đầy rẫy những định kiến tàn ác, nói lên cái quyền, cái tôi cuả người phụ nữ.
Và ta tìm thấy gì…
Ta tìm thấy gì sau những lần truy tìm? Tình yêu? Hạnh phúc? hay là Cái Chết? Và cuối cùng, cũng chẳng ai cho họ đủ niềm tin để bước tiếp, cũng chẳng ai cho họ hy vọng để sống với tiếng gọi của trái tim, sống với chính cuộc đời mà họ được làm chủ. Để rồi, những tiếng khóc nỉ non, những tiếng lòng hằn chôn giấu thai nghèn thành những vần thơ đầy sức gợi:
“ Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy sương lạnh lẽo thấu xương da
Người giai nhân bến đợi dưới cây già
Tình du khách thuyền qua không buộc chặt
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi
Người viễn du lòng bỗng nhớ xa khơi
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước”
(Lời kỹ nữ – Xuân Diệu)
Dường như, trong những vần thơ ấy chứa đựng xiết bao nỗi niềm, xiết bao cái trăn trở, cái suy tư của người kỹ nữ. Nàng kinh hãi khi phán xét chính mình, khi ý thức về số phận của mình. Nàng lầm lũi đi trong bóng đêm ghẻ lạnh, cuộc đời vẫn cắn xé thân phận nàng, nhưng tâm hồn nàng thì vẫn yêu với đời, vẫn say với những tình cảm nồng thắm. Dẫu có “không buộc chặt”, dẫu có “gay gắt” thì nàng cũng vẫn thế, vẫn môi cười mời mọc, má đỏ hây hây, giấu nhẹm những nỗi sợ, giấu những giọt nước mắt lặn sâu tận đáy lòng. Nàng đâm liều và không còn biết đến ngày mai, bởi thân phận nàng làm gì có bến đỗ. Ngày tháng cứ bập bềnh trôi, nàng ngụp lặn giữa những cuộc truy hoan không hồi kết. Khác với Anna, ở Lời Kỹ Nữ không có cái chết, càng không có sự im lặng, mà thay đó là tiếng mua vui đầy náo nhiệt, là tiếng ánh trăng đầy thơ và mộng và cả tiếng khóc đau lòng cho cuộc đời người kỹ nữ – con người bị người đời xui đuổi, chối bỏ, con người với bao định kiến bủa vây.
Sau hành trình trên những trang sách rồi một lần nữa nhìn về với thực tại, mới thấy, cuộc đời sao mà lắm oan trái quá! “Ta muốn được yêu, được do, được đắm chìm với đời!” – một yêu cầu tưởng chừng như đơn giản, sao mà đã từng xa xỉ biết bao! Thế mới càng thêm xót thương, đồng cảm cho những tâm hồn bị trói buộc bởi định kiến trong quá khứ và càng thêm trân trọng, tự hào về những người phụ nữ đã và đang dũng cảm đứng lên phá vỡ định kiến.
Tác giả: Ngô Mai Phương.
__________________________________________________
Để lại một bình luận