[CÁC GIAI ĐOẠN NỮ QUYỀN TRÊN THẾ GIỚI]

Ngược dòng thời gian về những năm thế kỉ 18, Mary Wollstonecraft – nhà văn, nhà triết học và nhà bảo vệ quyền phụ nữ người Anh đã viết rằng: “Tôi không mong đợi phụ nữ có quyền lực lớn hơn hay ngang bằng nam giới, tất cả những gì phụ nữ cần là có quyền lực đối với chính bản thân mình”. Phải chăng để có được sự phủ sóng mà ta thấy ngày hôm nay, chủ nghĩa nữ quyền cũng đã nhen nhóm từ những mốc thời gian rất lâu về trước trong dòng chảy lịch sử nhân loại, trải qua vô cùng nhiều biến động và thăng trầm với những công sức được bồi đắp nên bởi các phong trào, làn sóng? Sau đây, hãy cùng VSWA ngoảnh đầu nhìn lại quá khứ cũng như chiêm nghiệm về các giai đoạn nữ quyền trên thế giới. 
Nhắc lại đôi chút về khái niệm nữ quyền, phong trào nữ quyền chính là một chuỗi các hoạt động liên quan đến chính trị – xã hội và cả hệ tư tưởng nhằm định nghĩa và thiết lập sự bình đẳng trong chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội cho người phụ nữ, từ đó cải cách các vấn đề liên quan đến nạn phân biệt đối xử ở phụ nữ. Các vấn đề có thể đề cập đến như quyền sinh sản, quyền được bầu cử,… đều nằm trong phạm trù của khái niệm nữ quyền và phong trào nữ quyền. Với xuất phát điểm là hướng đến những người phụ nữ nói riêng và bình đẳng giới nói chung, tuy vậy, khi đặt lên bàn cân so sánh, ta vẫn có thể thấy các giai đoạn của phong trào nữ quyền đều mang nét khác nhau nhất định trong điều kiện, bối cảnh lẫn mục tiêu và nội dung hoạt động. Có thể nói, chủ nghĩa nữ quyền trên thế giới chia là ba làn sóng chính với những điểm riêng biệt. 
Ở hai làn sóng đầu tiên, phong trào nữ quyền tập trung vào việc xây dựng nền móng, với những mục tiêu quan trọng nhất: đòi quyền cơ bản và đấu tranh chống bất công xã hội. Làn sóng thứ nhất xuất hiện vào những năm thế kỉ XIX và XX, với bước đầu là đấu tranh cho những quyền lợi cơ bản của người phụ nữ bao gồm: quyền được đi học, đi làm, quyền được tham gia bầu cử,… Làn sóng này trỗi dậy mạnh mẽ ở các nước phương Tây, với đối tượng tham gia chủ yếu là những người phụ nữ da trắng thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu của xã hội. Tiếp sau đó là sự nối gót của làn sóng thứ hai, diễn ra trong khoảng từ năm 1918 – 1968. Trong giai đoạn này, chủ nghĩa nữ quyền tiếp tục đấu tranh cho sự bình đẳng của phụ nữ ở phương diện chính trị – văn hóa, và đồng thời là tiến xa hơn trong việc thiết lập các quyền cơ bản. Quan trọng nhất, làn sóng thứ hai tập trung nhiều hơn vào việc xóa bỏ định kiến giới, ví dụ như nâng cao vị trí, tiếng nói của phụ nữ và phấn đấu vì một vị thế ngang bằng với nam giới. Các hoạt động thuộc phong trào nữ quyền cũng đã mang tính quy mô hơn khi họ dần hoạt động dưới các tổ chức lớn, với định hướng và mục tiêu cụ thể để nhằm nâng cao sức ảnh hưởng của mình. 
Làn sóng cuối cùng bắt đầu nổi lên vào giữa những năm 1990, và dù thừa hưởng phần lớn lợi ích từ hai làn sóng phía trước, giai đoạn này vẫn phải đối mặt với vấn đề đến từ những định kiến cổ hủ và các phản ứng cực đoan còn đọng lại từ làn sóng thứ hai. Làn sóng thứ ba theo đuổi quyền tự do lựa chọn của người phụ nữ, mong muốn đảm bảo một môi trường để phụ nữ lựa chọn mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố nào. Dĩ nhiên, đứng trước sự phát triển của thế giới, phụ nữ không cho phép việc họ bị gạt khỏi dòng chảy toàn cầu ấy, và từ đó, những hoạt động tác động tới cá nhân dần được chú trọng hơn, bởi những cá nhân tốt chính là yếu tố tiên quyết để xây dựng nên một xã hội văn minh. Đi cùng với những bước tiến của chủ nghĩa nữ quyền chính là sự xuất hiện, phổ biến rộng rãi của các nền tảng mạng xã hội, và nhờ đó, các hoạt động, thông tin về nữ giới ngày càng được đẩy mạnh, lan toả cho đến tận ngày hôm nay, góp phần chứng minh rằng phụ nữ thật sự là một nửa quan trọng của nhân loại.
Vậy là trải qua hơn 150 năm, lịch sử thế giới đã chứng kiến những biến động, thăng trầm của các làn sóng thuộc chủ nghĩa nữ quyền, và dù đều hướng đến một xã hội đối xử công bằng hơn với nữ giới, song thật không khó để nhận ra những nét khác biệt ở từng giai đoạn cụ thể. Từ thế kỉ XIX đến gần cuối thế kỉ XX, hai làn sóng đầu tiên được khởi xướng nhằm mục tiêu đấu tranh cho những quyền cơ bản của phụ nữ và mong muốn một vị thế xã hội ngang hàng với đàn ông, với lực lượng tham gia chủ yếu là những người phụ nữ da trắng chỉ đảm đương việc nhà và bị hạn chế ra ngoài xã hội. Và bằng những gì đã được gây dựng ở hai làn sóng vừa rồi, làn sóng thứ ba đã tiếp nối và nhấn mạnh hơn trong việc năng cao nhận thức và nữ quyền hiện đại. Họ chú trọng vào việc nâng cao nhận thức cho các cô gái trẻ, ủng hộ quyền tự quyết cơ thể, việc làm và bảo vệ bản thân khỏi nạn quấy rối, phân biệt chủng tộc. Đặc biệt, ở giai đoạn này, mức độ phủ sóng của phong trào nữ quyền đã rộng rãi hơn và bao phủ tất cả phụ nữ ở mọi chủng tộc và độ tuổi, bao gồm cả người phụ nữ thuộc cộng đồng LGBTQ+. Qua đó, ta có thể thấy dù mục tiêu, định hướng và quy mô có sự biến thiên giữa từng thời điểm, cả ba làn sóng được mở ra đều với một mục đích chung đầy tốt đẹp chính là mang đến một xã hội nơi phụ nữ có thể sống hạnh phúc và được là chính mình.  
Từ đó tới nay, phong trào nữ quyền đã gây được nhiều tiếng vang, góp phần củng cố vị thế của những người phụ nữ và đưa họ lên làm một lực lượng đáng vinh danh trong xã hội. Nổi bật nhất phải kể đến ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 – ngày lễ đặc biệt tri ân, tôn vinh toàn thể phụ nữ trên khắp thế giới. Xuất phát từ lòng căm phẫn trước ách bóc lột, áp bức tàn bạo của bọn chủ tư sản, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New York của Mỹ đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của những nữ công nhân ngành dệt may làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Cột mốc thắng lợi này đã góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh của những người phụ nữ, là tiền đề cho hàng loạt các hoạt động mang tính nữ quyền khác phía sau. Vào ngày 26-27/08/1910, Đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới tổ chức tại Thủ đô Copenhagen, Đan Mạch với sự tham gia của 100 đại biểu từ 17 quốc gia đã quyết định chọn ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ”. Cuối cùng, năm 1975, Liên Hợp Quốc đã chính thức lấy ngày 8/3 hằng năm làm ngày Quốc tế Phụ nữ và chỉ hai năm sau đó, nghị quyết cũng đã được thông qua, công nhận 8/3 làm ngày vì quyền phụ nữ và hòa bình thế giới. Kể từ đó, ngày 8/3 chính thức trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, nhằm tri ân, tôn vinh một nửa nhân loại cũng như đảm bảo thực hiện bình đẳng giới. Và đương nhiên, đất nước ta cũng không nằm ngoài xu hướng tiến bộ toàn cầu ấy: ở Việt Nam, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm phương Bắc, và đây cũng chính là cội nguồn cho niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam. Thời chiến, những người phụ nữ Việt hăng hái tham gia kháng chiến, làm tròn trọng trách cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Thời bình, họ cũng chẳng kém cạnh khi luôn luôn ra sức gánh vác công việc: giúp đỡ chiến sĩ, tăng gia sản xuất, xóa nạn mù chữ,… Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/1952: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rạng rỡ”, quả thật, dù có ở thời kỳ nào, phụ nữ Việt Nam cũng luôn có những cống hiến to lớn, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang, anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang của lớp lớp thế hệ đã qua.  
Phong trào nữ quyền phát triển như ngày hôm nay chính là kết quả quá trình đấu tranh, nỗ lực bền bỉ của những tiếng nói kêu gọi công lý, bình đẳng, quyền được sống, được yêu, được là mình. Mỗi phong trào đều bén rễ từ những nhu cầu cơ bản nhất của con người, với lực lượng là chính những người phụ nữ mong muốn cất cao tiếng nói cho quyền lợi của chính bản thân; họ không chấp nhận tự đẽo gọt bản thân để vừa khít với những quan niệm, tư tưởng cổ hủ của xã hội đương thời. Tuy còn chưa thật sự toàn diện, song ta không thể phủ nhận rằng từng giai đoạn, từng bước đi đã góp phần củng cố một đời sống tốt đẹp hơn cho những người phụ nữ trên thế giới, giúp họ được dang rộng đôi cánh, trả lại tự do và sự bình đẳng mà họ xứng đáng nhận được. 
Tác giả: Mỹ Hà
Nghiên cứu: Minh Hồng, An Phương
____________________________________________________

Comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

viVietnamese