“Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng“
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Bức tranh về những năm tháng hào hùng của một dân tộc bất khuất không chỉ có màu xám của bom khói, không chỉ có những sự trần trụi gai góc, không chỉ có những tiếng đùng đoàng khiếp hãi mà len lỏi trong đó vẫn có những lời mẹ ru yên giấc trưa, những lời dặn dò ân cần pha lẫn những giọt lệ kín trước lúc rời xa, vẫn có những lời ca trong trẻo vang khắp non sông bốn bể. Đó chính là sự dịu dàng, là những thiên tính nữ quý giá giữa ranh giới sinh tử bất chợt. Những người phụ nữ ấy họ đã sống và cống hiến, kiên cường mà mềm mại, bất khuất lại bất diệt và là những sắc màu đủ hương sắc, đủ mùi vị và dù là trong hoàn cảnh nào thì họ vẫn luôn là những bông hoa của tạo hóa kỳ diệu mà lại vững vàng nơi tuyến lửa kia. Họ cũng đã hóa thân thành Đất Nước, thành tương lai khát vọng, họ cũng đã vác lên mình cả tương lai của một dân tộc anh hùng, thử hỏi nơi đâu có những người phụ nữ mà không qua đào tạo trường lớp vẫn bước chân vào ngưỡng cửa thần chết một cách đầy kiêu hãnh và hiên ngang chỉ với một tình yêu cháy bỏng ruột gan – tình yêu thương con, nhớ chồng và lòng yêu nước kiên trung bất diệt.
- Người Mẹ Việt Nam anh hùng
“Mẹ Việt Nam ơi!
Đêm nay con về gối đầu trên cánh tay của Mẹ
Ôi cánh tay rắn rỏi, dịu hiền
Lấm láp bùn lầy nhưng ấm áp niềm tin”
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Những con người luôn đứng sau bức màn chiến tranh, họ chưa từng tay cầm đạn, vai vác súng, chưa từng ra chiến tuyến đổ máu mà những giọt máu cắt lòng lại cứ thế lần lượt ngã xuống. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau người mẹ mất con, người vợ xa chồng? Có gì bù đắp được khi trao con lành lặn cho Tổ Quốc mến thương rồi lại chờ đợi mòn mỏi rồi cuối cùng người đi mãi chẳng về, ra đi lành lặn mà về nửa sống nửa chết? Họ chưa từng đặt chân vào tiền tuyến nhưng họ lại chính là những người tạo ra nguồn sống Đất Nước, đem dâng tặng những khúc ruột cắt lòng vì Tổ Quốc tương lai. Họ chính là hậu phương vững chắc, là nguồn động lực to lớn nơi phương xa thảm khốc máu đỏ, họ chưa một lần yêu cầu ai phải đau cho nỗi đau của mình, khóc cho những nỗi cô đơn đằng đẵng của mình. Họ cứ âm thầm mà dịu dàng, kín đáo mà chở che, khắc khoải mà mong nhớ những người thân yêu ruột thịt của mình nơi cam go mà hùng tráng kia. Tình mẫu tử vốn dĩ đã thiêng liêng cao cả không gì sánh được nhưng đặt vào bối cảnh bom rơi đạn mù thì lại càng sáng rõ vẻ đẹp cao quý vô ngần ấy. Có một quốc gia nào mà những người mẹ phải chịu sự mất mát đau thương đến vậy không? Lịch sử Việt Nam không chỉ hào hùng vì những con người bất khuất kiên trung mà lịch sử Việt Nam còn đậm tình nghĩa của những dòng máu hy sinh tất cả vì độc lập ngày mai. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng ấy không chỉ hy sinh tất thảy những gì quý giá nhất của một người mẹ, một người vợ mà họ gần như đã hy sinh cả mạng sống của mình để hiến dâng tất cả cho Tổ Quốc, họ là nguồn cội của những dòng máu bất khuất, của những linh khí Quốc Gia và của cả những dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Họ hy sinh vì sự tồn vong của dân tộc, hy sinh cho sự bất diệt của Đất Nước. Những bóng hình cầm khăn mùi xoa nén giọt lệ buồn tiễn con lên đường vẫn luôn là những hình ảnh cao cả nghĩa tử trong những trang sử hồng đầy chói lọi hào quang cũng như lắm máu chảy đứt ruột. Không ở đâu trên thế giới này, những người phụ nữ Việt Nam lại chờ chồng, chờ con suốt cả chiều dài lịch sử, đối mặt với sự cai trị của bọn thực dân hống hách, lại tăng gia sản xuất gửi ra mặt trận nuôi các chiến sĩ tiền tuyến như vậy. Họ không cầm súng cũng chẳng cầm bom đạn, tất cả họ có là những tấm hình, những bức thư, những chiếc khăn mùi xoa, với mớ rau, củ sắn nhưng họ cũng đã hòa mình vào dòng chảy anh hùng của thời đại.
“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”
(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Những bà mẹ mảnh mai ốm yếu gầy gò lại có một nghị lực phi thường, một sức sống mãnh liệt không gì có thể khuất phục bởi họ còn sinh ra được những con người quả cảm, bất khuất, anh hùng cho Tổ Quốc mà đúng không? Không phải ngẫu nhiên mà sau mấy chục năm độc lập thống nhất ta vẫn thấy bao bà mẹ khắc khoải nắm chặt tấm ảnh con, kỷ vật của chồng đi khắp các ngọn đồi, các nghĩa trang tìm được cho ra hài cốt của người con, người chồng của mình. Đi dọc lịch sử ngàn năm, không nơi đâu chúng ta không chứng kiến sự hy sinh, lòng can đảm và nỗi đau mất mát hy sinh của mọi bà mẹ Việt Nam. Chúng ta vẫn chứng kiến nhiều bà mẹ sau ngày độc lập vẫn đứng bên bậu cửa ngóng tin con trở về mà thời gian mãi biệt trôi, còn người thì đã âm dương cách biệt. Đau xót biết bao khi từng khúc ruột, từng giọt máu cắt cứ lần lượt phải nhận giấy báo tử. Thậm chí có Mẹ không chỉ nhận một, hai lần mà còn nhận số giấy vượt quá số ngón ở hai bàn tay. Ở Quảng Nam có mẹ Nguyễn Thị Thứ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng có 9 con ruột, 1 con rể cùng 2 cháu ngoại lần lượt hy sinh. Họ luôn âm thầm và giản dị nhưng lại chịu hết thảy những nỗi đau đớn nhất của một con người, nỗi cô quạnh tuổi già xung quanh người thật đã đi xa mà chỉ còn khói hương vây quanh. Thật xót xa biết bao cho cõi lòng những người Mẹ anh hùng. Lịch sử hàng ngàn năm của người mẹ Việt là “cắn răng chịu đựng”, nuốt nước mắt vào trong, hy sinh từng mảnh ruột, giọt máu trong mọi cuộc chiến tranh giữ nước.
“Rưng rưng chiều, thơ nhòa lệ chứa chan.
Muốn hỏi cao xanh có đau nào hơn thế.
Đất nước hóa thân dáng hình của mẹ.
Đợi chờ, ước mơ, mòn mỏi một đời.
Mẹ Việt Nam ơi, mẹ Việt Nam ơi.
Sừng sững tượng đài giữa đất trời bát ngát.
Trong nghẹn ngào vẫn trầm hùng câu hát
“Tự hào chúng con có mẹ Việt nam anh hùng”.“
(Mẹ Việt Nam – Cao Hùng Cường)
- Người chiến sĩ quả cảm quên mình
“Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Đi giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười
Ngắt một đóa hoa tươi
Chị cài lên mái tóc
Đầu ngẩng cao bất khuất
Ngay trong phút hy sinh
Bây giờ dưới gốc dương
Chị nằm nghe biển hát.“
(Bài thơ chị Võ Thị Sáu – Phan Thị Thanh Nhàn)
Nơi đâu trên thế gian này lại lắm những bông hoa hiến mình cho Tổ Quốc, nơi đâu trên thế gian này mà quân phục lại là những chiếc áo bà ba đằm thắm mà anh dũng và nơi đâu trên này lại có lắm những bài ca người con gái quả cảm anh hùng như Tổ Quốc tôi chứ. Họ không còn hiện lên là những người nơi hậu phương ngóng trông, những người ở nhà lo toan con cái, mà họ đã hiện thân thành người anh hùng phi phường của Tổ Quốc. Không phải là bóng mờ của lịch sử, không phải là sự gợi nhắc mờ nhạt sau tấm vai rộng của người đàn ông, họ được hiện lên có tên có tuổi, có cảm xúc của chính mình. Họ cũng là những hào kiệt Đất Nước, là nguồn sống nuôi dưỡng khát vọng hòa mình và họ cũng đã ngã xuống để Tổ Quốc đứng lên. Họ mang trong mình một trái tim giàu cảm xúc như bản năng của một người phụ nữ nhưng lại chưa từng lép vế trong lịch sử so với các anh bởi vì tình yêu da diết đó, mãnh liệt đó đã chắp cánh cho nghị lực phi thường của các chị khiến người ta thậm chí còn không tin họ là những người con gái chân yếu tay mềm nữa. Không phải thời đại bây giờ chúng ta mới đấu tranh cho sự bình đẳng, cho quyền lợi người phụ nữ hay khẳng định sức mạnh vô biên của những người con gái bất khuất kiên trung mà từ ngay những ngày tháng lịch sử đẫm máu ông cha ấy, ta đã thấy vô vàn những con người bên ngoài mái tóc búi gọn, chiếc áo bà ba mảnh khảnh, nụ cười duyên dáng bẽn lẽn lại là những tâm hồn bất khuất với non sông. Họ cũng cầm súng, cũng vác bom, họ sống và chiến đấu trong ánh sáng và cả trong đêm tối. Họ cũng đảm đương đủ mọi loại việc không thua kém bất cứ anh chiến sĩ nào, họ góp mặt trong mọi chặng đường của Tổ Quốc, họ có mặt trong mọi chiến dịch lịch sử của dân tộc. Hình ảnh giản dị của những đóa hồng xuất hiện với vết đen nhẻm, vết bụi bom mờ trong bức ảnh khói lửa mù mịt, máu chảy từng dòng thật khiến ta không khỏi xót xa và đau lòng. Thế nhưng trên tất thảy, họ lại cho ta thấy một sức sống bất diệt, mạnh mẽ và trường tồn cùng năm tháng núi sông, cùng dòng chảy lịch sử và cùng ngọn lửa yêu vĩnh hằng. Những người phụ nữ ấy hiện lên với muôn hình vạn trạng, họ đã phá vỡ mọi định kiến thời bấy giờ về tính cách và phẩm chất của người phụ nữ bao đời nay, không còn là những người phụ nữ yếu đuối cần chở che, không còn là những người chỉ có thể lui về làm hậu phương, không còn quá nhiều nước mắt hay sự sợ hãi, họ là những chiến binh được sinh ra bởi sự trần trụi của chiến tranh, khi thực tế khổ đau bắt buộc họ phải lột đi cái vẻ sự mỏng manh yếu đuối mà người đời đã luôn gắn cho họ. Trong thực tế, họ là một du kích, một tình báo, một người bác sĩ quân y, là những cô thanh niên xung phong lấp hố bom, là những tay hàng tiếp tuyến cừ khôi, là những người chiến sĩ phi thường vác cả tương lai đất nước trên bờ vai nhỏ bé ấy. Trong cuộc chiến anh sống tôi chết, họ vẫn trao đi ánh nhìn đầy khát vọng sống, bởi trong lòng họ vẫn là một cô gái đắm mình với thiên nhiên, hái hoa kim lê cài lên mái tóc và hô vang khẩu hiệu cách mạng trước họng súng của lũ quân thù khát máu người, giữa đất trời mà nghe tiếng chim hót. Đó là những thiên bẩm và bản năng của người phụ nữ, dù có gai góc đến đâu thì thực tế họ vẫn là một cô gái đang ở trong những tuổi xuân đẹp nhất. Trong một “lịch sử câm lặng và giông bão”, người phụ nữ đã không còn im lặng ủy khuất, họ tự dùng cảm xúc, dùng dòng máu của mình tô lên cho cuộc đời bi tráng mà hào hùng của chính mình bằng một ngôn ngữ thắm thiết tình yêu và bằng một cách tô điểm đầy thiên tính nữ của chính bản thân mình. Anh hùng La Thị Tám – một cô gái nhỏ bé lại có thể đứng vững giữa bom rơi, đạn nổ, dưới cái nắng tháng 6 nóng như đổ lửa, chạy lên chạy xuống ngọn đồi với hơn 1000 bước chân mà chúng ta chỉ là đi bộ thong dong cũng đã thở không ra hơi. Hay câu chuyện về nữ dân quân chỉ nặng 42 kg vác 2 hòm đạn nặng tiếp tế cho bộ đội của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Tuyển vượt qua những giới hạn bình thường của con người. Còn cả câu chuyện khí phách vượt qua mọi thời đại của chị Võ Thị Sáu: Sau những chiến công tài không đợi tuổi, chị không may đã bị bọn thực dân bắt khi quả lựu đạn thứ 2 trong tay bị xịt. Rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc, thế nhưng sự bất khuất kiên trung với Tổ Quốc được chị giữ vững mãi ngay cả khi ra đến pháp trường, Võ Thị Sáu kiên quyết không quỳ xuống và tuyên bố đanh thép rằng “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!” Nói xong, chị Sáu bắt đầu hát Tiến quân ca. Khi lính lên đạn, chị ngừng hát, hô vang những lời cuối cùng “Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm.” Cuộc đời cách mạng hào hùng cùng cái chết vinh quang rực rỡ ấy đã tạc tên tuổi của chị cùng với những trang sử hồng chói lọi và tạc dáng đứng bất khuất bay lên thành linh khí Quốc Gia. Những người phụ nữ Việt Nam luôn anh hùng thế đấy, họ cũng bất diệt và phi thường đến khó tin vậy đấy bởi họ cũng là một phần quan trọng bậc nhất góp phần vào chiến thắng chói lòa của dân tộc và vì họ là người con của một thời đại anh hùng!
“Em là người thanh niên xung phong
Không có súng, chỉ có đôi vai cáng thương, tải đạn
Giữa tầm đạn thù, tấm lòng dũng cảm
Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công
Tôi thấy rồi em ơi giữa cuộc hành quân
Niềm kiêu hãnh trong mắt em kỳ lạ
Trong chiếc áo bạc màu đôi miếng vá
Cô gái Việt Nam đẹp đến lạ thường
Ôi! Những bông hoa nở giữa chiến trường”
(Những bông hoa trên tuyến lửa – Đỗ Trung Quân)
- Người vợ thủy chung, tình nghĩa
Có một câu chuyện cổ tích xưa kể rằng, trên đỉnh núi xa xôi, có một loài hoa chỉ nở khi được tưới bằng nước mắt của sự đợi chờ, khi người ta thực sự yêu thương và trông ngóng người thương trở về. Loài hoa ấy, dù trải qua gió bão, mưa rơi hay những mùa đông lạnh lẽo, vẫn không héo tàn, vẫn chờ đến khi mặt trời chiếu rọi để bung nở sắc màu rực rỡ nhất. Người ta gọi loài hoa ấy là “hoa thủy chung” như một biểu tượng của thứ tình yêu không phai nhoà, lòng trung thành không đổi thay. Câu chuyện ấy không chỉ là một truyền thuyết được lưu truyền trên trang giấy, mà quả thực còn là hiện thân của hàng triệu người vợ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Trong cuộc chiến khói lửa khốc liệt, khi những người đàn ông ra đi mang theo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, những người vợ ở lại đã trở thành những bông hoa thủy chung, âm thầm và kiên định, đợi chờ ngày bóng hình thân yêu một lần nữa hiện diện trong căn nhà. Họ không chỉ là những bóng dáng lo toan thấp thoáng sau lũy tre làng, mà còn là biểu tượng của lòng kiên nhẫn, tình yêu son sắt thuỷ chung và sự hy sinh thầm lặng. Chính những người vợ ấy đã trở thành những ngọn đuốc sáng trong lịch sử, soi rọi con đường của những người lính và còn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho văn học, thơ ca. Bà Nguyễn Thị Tám, vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Bé, là một trong những biểu tượng ấy. Khi nhận được tin chồng hy sinh nơi chiến trường, bà Tám vẫn quyết giữ trọn lời hứa “trọn đời một bóng”, ở vậy nuôi con và chờ đợi ngày được đoàn tụ với chồng. Cuộc đời bà là một bản hùng ca về lòng thủy chung, không chỉ với người chồng đã khuất mà còn với cả đất nước. Trong hình ảnh bà Tám, ta thấy hiện lên sự kiên cường, nhẫn nại và tình yêu sâu đậm đến mức trở thành bất diệt. Như lời nhà thơ Nguyễn Duy từng viết:
“Có những cái chết hóa thành bất tử
Có những tấm lòng hóa thành thiêng liêng”
Như một khúc ngân dài của bản tình ca bất tận về lòng thủy chung, từ sự kiên định của bà Nguyễn Thị Tám, ta tiếp tục chứng kiến một tượng đài khác – bà Nguyễn Thị Mười, vợ liệt sĩ Trần Văn Thọ. Nếu bà Tám là hiện thân của lời thề “trọn đời một bóng,” thì bà Mười lại hiện lên như một tượng đài lặng lẽ của sức mạnh phi thường, khi biến nỗi đau mất mát thành ngọn lửa tình yêu cháy mãi trong trái tim, sống trọn vẹn với ký ức về người chồng đã khuất. Cuộc đời bà không chỉ là câu chuyện về lòng chung thủy mà còn là bản hùng ca về sự hy sinh và lòng kiên cường của người phụ nữ Việt Nam. Bà đã nuôi dạy các con khôn lớn, giữ gìn từng kỷ niệm về người chồng yêu dấu trong trái tim mình, như một ngọn lửa âm ỉ cháy, không bao giờ tắt. Mỗi ngày trôi qua, bà sống không chỉ cho mình mà còn cho cả những ước mơ dang dở của người chồng, như một lời thề nguyện thủy chung, sắt son, không bao giờ phai nhạt. Hình ảnh bà, người mẹ, người vợ, với đôi mắt đượm buồn nhưng luôn sáng lên niềm tin và nghị lực, đã trở thành biểu tượng của lòng trung thành, của một tình yêu vượt qua cả những giới hạn của cuộc đời.
Trong văn học Việt Nam, hình tượng người vợ thủy chung luôn hiện hữu như một ngọn đèn hải đăng, dẫn lối cho những người đàn ông trở về từ chiến trận, là nguồn cảm hứng bất tận cho bao trang viết kinh điển. Một trong những tác phẩm tiêu biểu khắc họa sâu sắc hình ảnh ấy là tiểu thuyết “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Hình ảnh chị Út Tịch, người phụ nữ vừa là chiến sĩ kiên cường, vừa là người vợ thủy chung son sắt, đã để lại dấu ấn không phai trong lòng độc giả. Dù chồng đã hy sinh, chị vẫn giữ trọn vẹn tình yêu và ký ức về người bạn đời, một tình yêu không bị phai mờ bởi dòng chảy khắc nghiệt của thời gian hay những thử thách cuộc sống. Như một bản hòa ca tiếp nối về tình yêu và sự hy sinh của người vợ trong chiến tranh, hình ảnh ấy lại một lần nữa hiện lên đầy sống động trong các tác phẩm thơ ca. Trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm, hình ảnh người mẹ – người vợ với tình yêu thương vô bờ bến, kiên định đợi chờ chồng nơi chiến trường hiện lên đầy xúc động:
“Mẹ thương anh, con thấu từng lời ru
Anh lính trẻ, nơi chiến trường gian khổ
Mẹ nơi đây, trái tim vẫn đong đầy
Ngày anh về, nụ cười trong gió mát.“
Những câu thơ này phác họa hình ảnh người vợ với lòng thủy chung, tình yêu sâu nặng và niềm tin bất diệt vào ngày đoàn tụ. Người mẹ trong bài thơ không chỉ là một người phụ nữ bình thường mà còn là một người anh hùng trong cuộc chiến, người đã chịu đựng mọi khổ đau, mất mát để giữ gìn hạnh phúc và tình yêu cho gia đình. Tình yêu của người mẹ dành cho chồng không chỉ là tình yêu của một người vợ, mà còn là tình yêu của một người mẹ đối với con cái, và tình yêu đối với quê hương, đất nước. Tình yêu và lòng thủy chung của người vợ không chỉ được thể hiện qua những lời ru ngọt ngào trong thơ ca, mà còn hiện diện mạnh mẽ trong những trang văn đẫm chất anh hùng ca. Trong những vần thơ của Hữu Loan, “Màu tím hoa sim” đã khắc sâu vào lòng người đọc hình ảnh người vợ thủy chung, sống mãi với ký ức và tình yêu dành cho người chồng đã khuất, tạo nên một tượng đài bất diệt của lòng trung thành và sự hy sinh. Trong bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, hình ảnh người vợ thủy chung được khắc họa đầy bi tráng qua những câu thơ đau xót:
“Tôi về không gặp nàng,
Máu chảy ròng ròng từ vết thương xưa…“
Lời thơ vang lên như một tiếng nức nở, một nỗi đau đớn tột cùng khi người chồng trở về mà không còn thấy người vợ thân yêu. Hữu Loan đã sử dụng hình ảnh “máu chảy ròng ròng” để diễn tả nỗi đau mất mát không thể nguôi ngoai, biến tình yêu trở thành một vết thương mãi mãi rỉ máu trong trái tim người ở lại. Hình ảnh người vợ trong bài thơ không chỉ là một nhân vật cụ thể mà còn là biểu tượng cho những người phụ nữ Việt Nam đã sống trọn đời với nỗi nhớ thương, sự chờ đợi và lòng thủy chung son sắt. Màu tím của hoa sim trở thành màu của tình yêu bất diệt, một tình yêu vượt qua cả cái chết, sống mãi trong tâm hồn người đọc như một bản tình ca đau thương nhưng cũng đầy sức mạnh của lòng trung thành và sự hy sinh.
Họ như những ngọn đèn dầu âm thầm cháy sáng trong đêm, dẫn lối cho những người yêu thương trở về, dẫu con đường có dài bao nhiêu, dẫu thời gian có phủ mờ ký ức. Những người phụ nữ ấy không chỉ sống trong quá khứ, trong những trang văn, vần thơ, mà còn là hiện thân của sức mạnh bền bỉ, của tình yêu không bao giờ phai nhạt. Và dù thế gian có đổi thay, dù chiến tranh đã lùi xa, thì hình ảnh những người anh hùng với nghị lực phi thường ấy vẫn sẽ mãi là biểu tượng của lòng trung thành, của sự hy sinh, của một tình yêu vĩnh cửu vượt lên trên tất cả. Những ngọn lửa ấy, dẫu nhỏ bé, nhưng đã và sẽ mãi mãi sưởi ấm trái tim của nhân loại, như một bài ca không lời, vang vọng mãi với thời gian.
“Anh hùng bất khuất” bao đời
“Đảm đang” “trung hậu” đó lời Bác trao
Thật là hạnh phúc tự hào
Việt Nam ta có biết bao Anh hùng
Những người Phụ Nữ kiên trung
Mưa bom lửa đạn bão bùng xong pha
Hy sinh vì Đất nước nhà
Mỗi người đều một bông hoa dâng đời!“
(Tự hào Phụ Nữ Việt Nam – Mai Ngọc Thoan)
Tác giả: Thúy Nga, Hồng Anh
Để lại một bình luận