Feminism is not a rivalry with men, or a promotion of misandry, rather, it is letting women break free from the stereotypes that society and even themselves have associated women with.
Đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc đấu tranh cho bình đẳng giới Emma Watson từng khẳng định “ “Nữ quyền không phải là một chiếc roi để vin vào đó có thể trách phạt phụ nữ. Nữ quyền là sự tự do, là sự phóng khoáng, là sự bình đẳng. Nữ quyền, bình đẳng giới từ lâu đã trở thành chủ đề nhiều người quan tâm. Con người đặt ra nhiều câu hỏi: Nữ quyền thực sự là gì? Phong trào này bắt đầu từ khi nào? Hôm nay, hãy cùng chúng mình khám phá nữ quyền ở một khía cạnh khác: nữ quyền qua góc nhìn lịch sử văn hóa.
Vậy nữ quyền là gì? Có một số nhà đấu tranh nữ quyền bị nhìn nhận sai lầm về nữ quyền. Nữ quyền không phải là sự cào bằng về quyền lợi và trách nhiệm giữa nữ giới và nam giới, mà nó là giải phóng người phụ nữ khỏi các khuôn mẫu mà xã hội áp đặt lên họ và cả những điều họ áp đặt lên mình. Điều này có nghĩa là nam giới cũng cần đấu tranh cho nam quyền, bởi vì xã hội được xây dựng nên bởi khuôn mẫu.
Ngược dòng thời gian trở về quá khứ, trong truyền thống Việt Nam, tinh thần của văn hóa nông nghiệp định cư coi trọng ngôi nhà, coi trọng gian bếp, coi trọng người phụ nữ là hoàn toàn nhất quán và rõ nét. Điều này được thể hiện rõ nét qua các câu tục ngữ như: Nhất vợ nhì trời, Lệnh ông không bằng cồng bà.. Không chỉ vậy, GS-TS.Viện sĩ Trần Ngọc Thêm từng khẳng định rõ ràng về đặc trưng này trong bài giảng về Cơ sở văn hóa Việt Nam: ông cha ta với đặc trưng văn hóa nông nghiệp, thiên về âm tính dẫn đến lối sống thiên về tình cảm, trọng phụ nữ và trong lĩnh vực tín ngưỡng là thờ nhiều nữ thần. Cũng bởi cái đích của dân tộc là tín ngưỡng phồn thực nên các nữ thần của ta chính là các Bà Mẹ. Đó là các Bà Trời như: Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Cửu Trùng.. hay trong dân gian có ba thần được thờ chung và được coi như Tam Phủ cai quản 3 vùng trời- đất - nước: Mẫu Thượng Thiên - Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải.
Trải qua bao cuộc vận đổi sao dời cùng sự giao thoa văn hóa, nền văn hóa Việt Nam thời kỳ sau này, đặc biệt là từ khi nhà Lê lấy Nho giáo làm quốc giáo, chịu ảnh hưởng khá nhiều của văn hóa Trung Hoa. Trong thời kì này, văn hóa Việt Nam “du nhập” các tư tưởng, quan niệm của Nho giáo như: Nam tôn nữ ty, Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô, thuyết Tam tòng (Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử). Tuy nhiên, trên thực tế, dân tộc ta vẫn có sự chọn lọc trong tiếp nhận văn hóa, giữ gìn được những bản sắc văn hóa dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan. Điều này được thể hiện rõ nét qua Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long. Luật Hồng Đức đảm bảo cho con gái được hưởng quyền thừa kế tài sản bình đẳng như con trai. Con gái, cháu gái có quyền hương khói cho cha mẹ trong trường hợp trong nhà không có con trai, cháu trai (Điều 391, Điều 395); nếu con trai trưởng còn nhỏ thì bà quả phụ có quyền thay con mà tế tự tổ tiên. Trong hôn nhân, luật dành cho người phụ nữ có quyền từ hôn nếu thấy vị hôn phu chẳng may bị ác tật, phạm tội hay phá sản (Điều 322). Luật Gia Long cũng cấm chồng không được bán vợ, không được bắt vợ làm thuê, không được hạ vợ chính xuống làm nàng hầu. Khoản 268 điều 17 còn cấm đàn ông không được dùng lời nói sàm sỡ, thô tục để xúc phạm người phụ nữ, nếu người phụ nữ vì thế mà tự vẫn thì người đàn ông sẽ bị xử tội. Như vậy, trọng phụ nữ là nét đẹp trong văn hóa Việt. Dẫu trong các triều đại lịch sử, một phần còn bị lẩn khuất, một phần còn bị giấu đi nhưng truyền thống ấy vẫn là nét son trong trang sử vàng ở dân tộc.
Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhắc tới phong trào nữ quyền với ba làn sóng chính diễn ra sôi nổi trên thế giới trong quá khứ và cả hiện tại. Nếu làn sóng nữ quyền đầu tiên là làn sóng nữ quyền tự do (liberal feminism), xuất hiện ở các nước công nghiệp phát triển và chủ yếu tập trung vào việc đòi quyền phụ nữ cho phụ nữ, thúc đẩy sự tiếp cận và các cơ hội bình đẳng cho phụ nữ thì làn sóng nữ quyền thứ hai có nguồn gốc từ phòng trào giải phóng phụ nữ của phái nữ quyền cấp tiến (radical feminism) vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ XX. Những người phụ nữ ấy đứng lên chỉ trích chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh kêu gọi quyền lợi cho những nhóm người chịu thiệt thòi như công nhân lao động, người da màu, phụ nữ, những người đồng tính. Họ đã tích cực tham gia vào các cuộc diễu hành, biểu tình đòi quyền lợi, điển hình là các cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam, các cuộc biểu tình của sinh viên, biểu tình ủng hộ người đồng tính. Để rồi, làn sóng nữ quyền thứ ba xuất hiện vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do thông tin và chính trị toàn cầu. Phụ nữ tự tin rằng họ là những nhân tố xã hội tích cực, có khả năng, mạnh mẽ và quyết đoán. Họ tin rằng mình có làm chủ chính mình, cơ thể mình, họ tin vào một xã hội cho họ cơ hội phát triển và ít phân biệt giới tính. Điều này đã và đang tác động của toàn cầu hóa và sự phân bổ quyền lực tới phát triển quyền và sự tiến bộ của phụ nữ, phản ánh sự đa dạng hóa các mối quan tâm và quan điểm của phụ nữ trong thời đại mới.
Có thể nói, dù trải qua nhiều thăng trầm sóng gió, phong trào nữ quyền vẫn luôn phát triển không ngừng, ngân lên tiếng nói bảo vệ người phụ nữ, trẻ họ, giành lấy quyền được sống là mình, được đối xử công bằng và bình đẳng. Các phong trào nữ quyền trên thế giới, tuy khác nhau về “âm vực” nhưng đều có chung “tần số”, đó là những giá trị muôn thuở của con người. Nảy mầm tự cội rễ dân tộc, từ trái tim khát khao sự sống, phong trào nữ quyền đã để lại những tiếng nói mà dư âm vang đến tận mai sau.
Tác giả: Lê Diệu Hương
__________________________________________________________