The responsibilities of looking after and providing for the family are placed on the shoulders of every member in the family. Each and every family member’s sacrifice and dedication is needed in the process of building a healthy family.
“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”
Câu tục ngữ trên là một quan niệm bắt nguồn từ tư tưởng phong kiến xa xưa, ta có thể gọi nôm na là “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Thời điểm ấy, “đàn ông xây nhà” ý muốn nói người đàn ông đóng vai trò là trụ cột trong gia đình, là người lo những chuyện đại sự như cơm áo gạo tiền, tạo dựng sự nghiệp vững chắc. Còn “đàn bà xây tổ ấm” cho thấy những người phụ nữ chỉ nên lo việc nội trợ; chăm sóc, giáo dục con cái; những việc lớn đã có người đàn ông gánh vác. Cũng từ tư tưởng phong kiến trên mà câu tục ngữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” ra đời.
“Con hư” ở đây là chỉ những đứa trẻ không ngoan ngoãn, lười biếng và luôn ỷ lại vào người khác, không tự cố gắng phấn đấu. Khi người đàn ông làm trụ cột thì người phụ nữ, hay cụ thể chính là người bà, người mẹ là người phụ trách giáo dục con cái. Theo như tư tưởng trên, ta có thể hiểu rằng “con hư” chính là do bà, do mẹ giáo dục không đúng cách hoặc dạy dỗ không cẩn thận dẫn đến việc “con hư”. Trách nhiệm chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ trong gia đình bị đổ hết lên đầu người phụ nữ và bản thân họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi lỗi lầm của người con. Ta có thể lý giải bằng hai nguyên nhân chính tại sao lại ra đời câu tục ngữ này. Thứ nhất, phụ nữ trong tình yêu thường cảm tính, họ sử dụng trái tim để đối xử với những người xung quanh nhiều hơn là bộ não. Vậy nên khi dạy dỗ con cái, đôi lúc vì quá yêu thương con mà họ sinh ra dễ nuông chiều, tha thứ cho đứa trẻ hay thậm chí là bao che cho lỗi lầm của con. Là phái yếu nên cách hành xử của họ có phần nhẹ nhàng, mềm mỏng và dễ mềm lòng, nhất là đối với những đứa trẻ còn nhỏ tuổi. Ví dụ khi người con có những hành động sai trái, những người phụ nữ sẽ chỉ nhắc nhở hoặc cùng lắm là trách phạt con nhẹ nhàng. Họ sợ rằng nếu mình quá khắt khe thì con sẽ càng ngày càng không nghe lời và cũng để tránh cho đứa trẻ có ám ảnh tâm lý khi mình dùng bạo lực. Thứ hai, người bà, người mẹ thường là người gần gũi với con hơn là người ông, người cha. Họ là những người đảm nhiệm chính trong việc chăm sóc cho đứa trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ cho tới sức khỏe nên những đứa trẻ sẽ cảm nhận được sự gần gũi hơn ở người bà, người mẹ nhiều hơn. Ngoài ra, ở họ có sự nhẹ nhàng, nhẫn nại, bao dung nên họ có khả năng lắng nghe và tâm sự với đứa trẻ mỗi khi chúng gặp khó khăn hay khúc mắc. Thậm chí đôi khi chỉ là một chuyện nhỏ nhặt thôi nhưng đứa trẻ vẫn sẵn sàng kể câu chuyện đó với người bà hay người mẹ của mình.
Từ hai nguyên nhân trên ta có thể phần nào hiểu được sự ra đời của câu tục ngữ trên. Nhưng ở đây, quan trọng hơn cả là câu tục ngữ này từ xa xưa thường dùng để châm chọc người bà, người mẹ quá yêu thương con cháu của mình; ngày nay, câu nói ấy lại được sử dụng để đổ lỗi cho những người phụ nữ khi những đứa trẻ phạm sai lầm và bị mọi người xung quanh chỉ trích. Quan niệm ở trong quá khứ đã là một sự áp đặt sai trái lên người phụ nữ. Vậy nên trong xã hội hiện đại, ta cần nhìn nhận lại quan niệm cũ kỹ này để giúp cho người phụ nữ có thể có nhiều quyền quyết định hơn là chỉ làm những công việc tề gia nội trợ. Đầu tiên, trong thời kỳ đất nước đổi mới như hiện nay, giáo dục con cái là trách nhiệm của tất cả các thành viên trong gia đình, không riêng gì người phụ nữ. Từ ông bà, cha mẹ cho đến họ hàng thân thích đều có trách nhiệm dạy bảo mỗi khi đứa trẻ mắc lỗi, tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào mức độ của hành động ấy. Nếu việc làm đó không thể giải quyết bởi họ hàng thì người làm cha, làm mẹ chính là người phải đứng ra để uốn nắn đứa trẻ, không để chúng tiếp tục có những hành vi dẫn tới kết quả không mong muốn. Thêm vào đó, tính cách của một con người bị ảnh hưởng không chỉ từ gia đình mà nó còn xuất phát từ trường học, bạn bè xung quanh và nhiều yếu tố khác. Vậy nên quy chụp trách nhiệm cho việc dạy ’hư’ con cái của người phụ nữ khẳng định lại một lần nữa là hoàn toàn sai trái. Tiếp theo, phụ nữ đã dần khẳng định được vị thế của mình trong xã hội hiện đại bình đẳng. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng đều không thua kém gì người đàn ông. Phụ nữ vẫn có thể tự tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình song song với đó là chăm sóc gia đình và chăm sóc bản thân. Họ vẫn có thể làm nhiều điều cùng một lúc như vậy đấy! Nhưng từ xa xưa họ chưa bao giờ được cho một cơ hội để thử làm điều đó cả.
Mở rộng vấn đề hơn là không chỉ việc giáo dục con cái mà vun vén cho gia đình cũng là trách nhiệm của mỗi người. Sự hy sinh, cống hiến của mỗi thành viên trong gia đình khi vun vén cho tổ ấm nhỏ là điều luôn được đề cao. Tuy nhiên, trong quá trình ấy sẽ có lúc các thành viên có những nỗi khổ riêng không thể nói ra và tại sao trong những trường hợp ấy, người bị đổ lỗi lại là người phụ nữ? Có thể kể tới như có những gia đình đổ lỗi cho người phụ nữ rằng tại sao họ không sinh được con trai, trong khi thực tế giới tính của đứa trẻ đều không được lựa chọn hay hiện nay, hầu hết các bác sĩ đều từ chối cho người nhà xem giới tính thai nhi để tránh khi sinh xảy ra những sự việc không mong muốn. Hoặc mọi người thường nhìn nhận rằng việc một gia đình tan vỡ, người chồng ngoại tình đều là do người phụ nữ không biết chăm lo tổ ấm mà không phải vì sự thiếu chung thủy của người đàn ông? Qua những vấn đề nêu trên, ta có thể thấy rằng cho đến tận bây giờ người phụ nữ vẫn còn bị gò bó và nhìn nhận ở góc nhìn tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Đặc biệt là những điều không tốt trong xã hội thường được đánh đồng với phụ nữ, thường là một câu ngắn gọn nhưng đầy sự chỉ trích “ĐÚNG LÀ ĐỒ ĐÀN BÀ”. “Thằng này ăn nói yểu điệu, đi đứng ẻo lả như đàn bà vậy”, “Có mỗi việc đẻ ra con trai để nối dõi cũng không xong thì làm ăn được gì, đúng là đồ đàn bà”, “Cái con này ăn mặc hở hang thế! Đúng là đồ đàn bà” chỉ là một trong số ít những câu nói để người đời tỏ thái độ không thiện cảm với một ai đó, nhưng tại sao trong những câu ấy lại nhắc đến người phụ nữ? Thậm chí còn với một cách gọi vô cùng thiếu tôn trọng là “đồ đàn bà”. Thứ nhất, bất cứ một giới tính, xu hướng tính dục có phong cách ăn mặc, nói chuyện, sinh hoạt khác nhau như thế nào đều nên được chấp nhận. Bản thân mỗi người sẽ tự định hình cho mình một phong cách riêng để thể hiện bản thân và điều đó không liên quan đến nữ giới. Câu nói “Tôi yêu thời trang vì đó là cách để bạn thể hiện bản thân với thế giới.” của Emma Watson chính là một câu nói hay chứng tỏ những người có phong cách khác nhau không phải bởi vì họ lập dị, mà chính là cách để họ cho thế giới thấy bản sắc riêng của họ, không bị nhầm lẫn với bất cứ một ai khác. Thứ hai, quan niệm sai lệch này thậm chí vẫn còn được một số người phụ nữ sử dụng mà họ không hề hay biết. Điều này ở một góc độ nào đó đã góp phần cho những người xung quanh thấy được rằng vẫn xảy ra tình huống phụ nữ chê bai phụ nữ, từ đó khiến cho hình ảnh người phụ nữ trong mắt họ ngày càng xấu đi.
Xã hội ngày một phát triển nên theo đó, con người cũng nên có sự đổi mới. Ta không thể mãi đề cập đến người phụ nữ với một thái độ đầy định kiến, chỉ trích khi mà họ cũng đang cố gắng vươn lên để thay đổi bản thân, để trở nên mới mẻ và tốt đẹp hơn. Đó cũng chính là lý do tại sao mỗi chúng ta cần phải có sự nhìn nhận tích cực hơn về người phụ nữ và cả nữ quyền. Nữ quyền được sinh ra nhằm đấu tranh để có được sự công bằng cho cả nữ giới và nam giới. Từ xưa tới nay việc phụ nữ chủ yếu lo công việc bếp núc, sinh con để cái, chăm lo cho gia đình dù sao cũng vẫn là điều tốt. Tuy nhiên họ vẫn nên được trao cơ hội để làm những điều lớn lao hơn, làm những gì họ muốn, họ thích mà không vi phạm chuẩn mực đạo đức, an toàn xã hội. Ngược lại, đối với người đàn ông, họ không cần thiết phải gánh vác công việc “trụ cột” một mình. Nam giới vẫn có thể chia sẻ việc cơm áo gạo tiền, những công việc nặng nhọc với người bạn đời của mình, để cả hai thấy được tầm quan trọng và việc sẻ chia và theo đó là những lời động viên. Chưa hết, con người dù có mạnh mẽ đến mấy chắc chắn cũng sẽ những lúc yếu đuối, người đàn ông cũng vậy. Họ nên nhận được những lời khuyên và lời cổ vũ tinh thần hơn là sự chỉ trích, phán xét khi họ thể hiện một mặt trái với thường thấy của mình. Đã là con người thì chắc chắn sẽ có người tốt, người xấu; người giỏi hay người không hoàn hảo; bên trong mỗi người vẫn sẽ có ưu, nhược điểm hay tính tình mỗi lúc một khác. Vậy nên ta không chỉ không nên đánh đồng với phụ nữ, mà ta cũng không nên đánh đồng và phán xét bất cứ một cá nhân nào.
Nữ quyền chắc chắn sẽ còn cần một thời gian dài để tất cả mọi người nhận thức được về tầm quan trọng của sự bình đẳng. Vậy nên ngay từ bây giờ, cùng với VSWA, mỗi chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm để có cái nhìn khác về người phụ nữ và cả những người mà ta từng chỉ trích, để bản thân mỗi người trở nên tự tin hơn và cũng như cho chính mình một cơ hội để đấu tranh cho sự bình đẳng. Cũng như Đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc, Emma Watson từng nói: “Tôi không muốn người khác định nghĩa mình. Tôi mới chính là người sẽ quyết định bản thân là ai.”
Tác giả: Trương Quỳnh Như, Nguyễn Thanh Ngân, Phạm Nguyễn Minh Thư
_________________________________________________________________