Strong women, don't be afraid, instead, stand up and fight for yourself since your body should be in your command. Scream "MY BODY, MY CHOICE" with pride.
“Em là kẻ giữ quá nhiều, cho cũng quá nhiều, yêu cũng quá liều” (Người điên - tlinh). Chỉ với một câu hát nhưng ta có thể thấy nó miêu tả lên bản chất của những người phụ nữ - những người sẵn sàng hy sinh và cho đi tất cả. Vậy nhưng trong xã hội, họ đã nhận lại được gì? Liệu họ có được công nhận những cống hiến đó hay vẫn còn phải đối mặt với những sự phán xét hằng ngày hoặc không được sống theo cách mình muốn. Sau đây, hãy cùng VSWA khám phá quyền làm chủ thân thể của người phụ nữ!
Từ thuở nhỏ đến khi lớn lên, các cô bé luôn được dạy bảo rằng cơ thể của mình thì phải giữ gìn, phải có ý tứ hay cơ thể của mình không ai có quyền động chạm hay xâm phạm vào, tức là con phải có quyền tự làm chủ bản thân mình. Vậy quyền làm chủ bản thân mình là gì? Không chỉ đơn giản là không cho người khác chạm vào thân thể mình mà quyền làm chủ cơ thể ở đây còn là quyền được hoàn toàn quyết định mình sẽ làm gì với chính bản thân mình, sống ra sao, việc làm, học tập như thế nào. Không ai có quyền thay đổi điều ấy. Nhưng trong thời đại hiện nay, không khó để bắt gặp những câu chuyện như các bạn nữ bị body shaming, bị bắt ép phong cách ăn mặc, ngành nghề, cách sống,... theo cách mà “xã hội” muốn. Điều này xảy ra với tất cả mọi người dù bạn có là người bình thường hay người nổi tiếng như nữ ca sĩ trẻ tuổi Billie Eilish khi cô có thói quen ăn mặc rộng rãi “baggy clothing style” . Tuy nhiên, sau khi cô chia sẻ một bức hình với những bộ quần áo bó hơn, nữ ca sĩ đã bị cộng đồng mạng lên tiếng chỉ trích gay gắt đặc biệt là tình dục hóa cơ thể của cô cụ thể là “slut-shamed”. Định kiến xã hội ép buộc con người ta phải làm theo những gì được xem là “bình thường” thì mới đúng với quy chuẩn, còn những gì ta làm theo sở thích cá nhân, quyền quyết định của riêng mình thì bị đánh giá là “bất bình thường”, là “dị biệt”, là “hư hỏng”,... Đôi khi những điều này chính là lý do khiến cho quyền làm chủ ấy bị lung lay, có khi còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của người đó, gây ra nhiều hệ luỵ sau này. Thật ra, điều này đã và đang tiếp diễn trong đời sống của chúng ta từ bao đời nay. Có thể nói, đây chính là một trong những hệ quả của chế độ và tư tưởng thời phong kiến. Những tư tưởng như “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” hay “Nam nữ thụ thụ bất thân” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Thân phận người phụ nữ xưa - không có tiếng nói, không có địa vị - thì nay đã có sự tiến bộ hơn. Người phụ nữ ngày nay đã độc lập, tự chủ hơn. Ngày càng có nhiều sự xuất hiện của các bạn nữ, các cô, các bác tài năng, có khả năng vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Xã hội có thể hiện đại hơn, phát triển hơn, nhưng để thay đổi và triệt tiêu những suy nghĩ cổ hủ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, những tư tưởng ấy chính là ngòi châm cho những điều tiếng, những lời nói gây tổn thương cho người phụ nữ. Những sự việc này còn đi xa và gây sức ảnh hưởng mạnh hơn nữa khi được lan truyền lên mạng xã hội. Một ví dụ điển hình, vào ngày 5/5/2023 ở Vĩnh Phúc, một kẻ trộm đã đột nhập vào shop quần áo và uy hiếp bà chủ để cưỡng bức. Thay vì hoảng loạn và sợ hãi, bà chủ đã nhanh trí thuyết phục tên trộm đeo bao cao su và chớp lấy cơ hội để hét toáng lên và chạy thoát. May mắn rằng, với sự thông minh và nhanh trí của mình, bà chủ đã tự cứu lấy mình trong gang tấc. Tuy nhiên, khi video camera quay lại được tung lên các trang mạng xã hội, người phụ nữ ấy lại gặp những ý kiến trái chiều, cho rằng cô lẳng lơ, dụ dỗ đàn ông,... trong khi sự thật thì cô chỉ đang cố gắng tự cứu lấy mình. Những điều này đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến danh dự và xâm phạm vào đời tư của người phụ nữ ấy một cách quá đáng và trầm trọng. Hay chỉ là những lời đồn đại vu vơ như “Nhìn cách ăn mặc như thế thì chắc chỉ lo chơi bời, chẳng học hành gì”, “ Yêu sớm thì lại ăn cơm trước kẻng rồi vác bụng bầu về cho bố mẹ đây mà”,... Nhưng thông thường khi rơi vào những trường hợp đó, người bị công kích thường có xu hướng lựa chọn việc im lặng hơn là lên tiếng phản bác và đấu tranh cho bản thân. Đó chính là ví dụ điển hình cho việc ý thức về quyền làm chủ bản thân của chúng ta vẫn chưa thật sự cao.
Có thể bạn chưa biết, chính nữ rapper đình đám Nicki Minaj đã từng mang thai khi còn là thiếu niên. Cô đã chia sẻ rằng đó là điều khó khăn nhất mà cô từng phải trải qua thậm chí là “ám ảnh” (Nicki nói với Rolling Stone vào năm 2014). Vậy các bạn có biết, Việt Nam chúng ta là một trong số những quốc gia hợp pháp hóa việc phá thai, nhưng phải đảm bảo theo quy định của Pháp Luật. Tuy nhiên ở nhiều quốc gia trên thế giới, điều này là bất hợp pháp và không được cho phép. Có nhiều nguyên nhân cho việc này, có thể là do vấn đề về đạo đức, dân số, tôn giáo,... nhưng nhìn chung, đa số các bang, vùng lãnh thổ và quốc gia khác nhau sẽ có những lý do riêng và quan điểm riêng cho vấn đề phá thai. Quan điểm chúng mình thường thấy sẽ là “Không nên phá thai vì những vấn đề về đạo đức, sức khoẻ,...” nhưng thật ra, việc phá thai nên và phải thuộc về quyết định của người phụ nữ. Chúng ta luôn nói rằng phụ nữ phải có quyền làm chủ bản thân, nhưng lại chỉ trích khi người ấy làm một điều gì đó trái với “xã hội”, điển hình là “phá thai”. Không ai có thể phủ nhận rằng phá thai là một việc rất không nên làm, nhưng chúng ta phải có suy nghĩ thật kĩ lưỡng và phân tích ở nhiều khía cạnh để đưa ra quyết định sáng suốt nhất trước khi giữ lại hoặc bỏ đi bào thai đó hoặc phán xét quyết định ấy của bất kì người phụ nữ nào. Chúng mình tin rằng, không người mẹ nào là không thương con. Tình mẫu tử được xem là tình cảm thiêng liêng và mạnh mẽ nhất, vượt trên tất cả những tình cảm thông thường mà ta đã từng biết. Nhưng không phải ai cũng sẽ may mắn được gặp bé con của mình. Nhiều trường hợp các bạn nữ/ người phụ nữ bị buộc phải bỏ đi đứa con vì những lý do như: không đủ điều kiện nuôi con, vì những định kiến xung quanh, chưa đủ khả năng để nuôi một đứa trẻ … Nói đi thì cũng phải nói lại, việc cấm phá thai chỉ góp một phần trong việc đảm bảo an ninh và sức khỏe cho người dân, nhưng cũng có những trường hợp luật cấm phá thai gây ra nhiều tranh cãi. Chẳng hạn như khi một người phụ nữ bị cưỡng hiếp, dẫn đến có thai ngoài ý muốn nhưng luật ở quốc gia/ vùng lãnh thổ ấy lại không cho phép phá thai. Điều này dẫn đến những rắc rối và nguy hiểm tiềm tàng như cô ấy phải đi sang những quốc gia/ vùng lãnh thổ khác để thực hiện thủ thuật phá thai hoặc sử dụng những biện pháp phá thai không an toàn, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí nặng hơn là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này và tính mạng. Chúng mình không cổ súy cho việc phá thai, nhưng phá thai hay bất kì quyết định gì đối với cơ thể của một người phụ nữ phải do người ấy quyết định. Xã hội có thể có sức mạnh để định kiến hoặc phê phán, dè bỉu một người nào đó, nhưng điều đó không có nghĩa là xã hội được quyền ép một người thực hiện một hành vi mà người ấy không mong muốn !
Để tránh những trường hợp không đáng có và tự bảo vệ bản thân mình, các bạn nữ nên chuẩn bị kĩ càng về kiến thức cũng như kĩ năng sống đối với các vấn đề này. Những nhục dục, tình ái hay yêu đương không có gì phải xấu hổ, chúng ta hoàn toàn có quyền được tự hào về mình và cơ thể của mình. Chúng chỉ như một “gia vị” cho cuộc sống, là nhu cầu bình thường của mỗi con người. Việc ta cần làm là chuẩn bị kiến thức thật kĩ càng và có ý thức bảo vệ bản thân thật tốt để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra với mình.
Những người phụ nữ luôn luôn có quyền tự hào về cơ thể mình. Đây là cơ thể đẹp đẽ mà tạo hoá đã ban cho chúng ta và ta hoàn toàn có quyền được làm chủ và tự hào về nó. Ắt hẳn chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện về nàng Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều - tác phẩm nổi tiếng nhất của Đại thi hào Nguyễn Du. Nàng Kiều là cô tiểu thư xinh đẹp, ngoan hiền, duyên dáng và dịu dàng, vẻ đẹp của nàng thậm chí còn làm cho “hoa ghen, liễn hờn”. Nhưng khi bị bán vào lầu xanh, mặc kệ tất cả những phẩm chất tốt đẹp, tài năng hơn người của nàng, người ta chỉ xem nàng là một cô gái “lầu xanh”, là “công cụ kiếm tiền” không hơn không kém. Vậy phải chăng, cơ thể của người phụ nữ chỉ đê tiện trong mắt những kẻ đê tiện? “ Ý Thức về thân phận chính là ý thức về cái phần riêng tư nhất, thực tại nhất của con người. “(Trần Đình Sử). Theo thống kê, chữ Thân trong Truyện Kiều đã xuất hiện đến 63 lần. Điều này đã khẳng định tầm quan trọng của chữ Thân như chữ Tài, chữ Tâm.
Thân thể của ta chính là sự khẳng định cho sự tồn tại của mình. Khi ta yêu thương và bảo vệ bản thân mình thật tốt, đó chính là tiền đề để ta phát triển tài năng và tâm thức của mình trở nên hoàn thiện và tốt đẹp hơn mỗi ngày. Vậy nên các cô gái mạnh mẽ của chúng ta đừng ngần ngại mà hãy đứng lên để đấu tranh vì bản thân mình, vì cơ thể là của mình và tự hào cất lên lên câu nói “MY BODY MY F*CKING CHOICE”.
Tác giả: Trương Hoàng Bảo Ngọc và Cao Ann lê
Thiết kế: Nguyễn Trần Linh Nga
______________________________________________________________