The phrase "bride kidnapping" is a cultural practice that may not be unfamiliar to us, as it frequently appears in works discussing traditional customs of remote ethnic groups. However, whether "bride kidnaping" is right or wrong is subjective.
Tục lệ “bắt vợ” có lẽ không quá đỗi xa lạ đối với chúng ta, bởi cụm từ này thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm về những hủ tục vẫn còn ở các dân tộc nơi vùng sâu vùng xa. Nhưng liệu “bắt vợ” là đúng hay sai? Chúng ta có đang đứng ở một góc nhìn phiến diện để phán xét chúng? Liệu tục lệ này còn phù hợp ở thời điểm hiện tại? Hôm nay, hãy cùng VSWA khám phá những góc nhìn mới mẻ về tục bắt vợ.
Vậy tục bắt vợ là gì? Tục bắt vợ là nét văn hóa đặc trưng trong hôn nhân của dân tộc Mông, Dao đỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và dân tộc Thái ở Nghệ An. Ở thời điểm mà tục lệ ra đời, tất cả mọi người đều nghĩ đây là một phong tục tốt và phù hợp. Bắt vợ từ lâu đã được xem là một nét văn hóa đặc trưng trong hôn nhân của dân tộc Mông. Người con trai sẽ tìm đến người con gái mà họ thích để bắt về làm vợ. Tục “bắt vợ” có thể coi như lối thoát cho những hoàn cảnh nghèo không đủ tiền thách cưới hay đôi nam nữ yêu nhau nhưng không có sự đồng ý của nhà gái hoặc nhà trai nên khi màn đêm buông xuống, người con trai ấy sẽ lén sang “bắt cóc” người phụ nữ mình yêu về làm vợ. Trong trường hợp khác, nhà trai không có đủ sính lễ nên mới đi bắt vợ. Như vậy, tục bắt vợ là tập tục đã lưu truyền nhiều thế hệ ở Việt Nam.
Tương truyền, thuở xa xưa, có đôi trai gái người dân tộc Mông yêu nhau say đắm, thế nhưng phía bên gia đình cô gái không đồng ý gả cho chàng trai. Hai người không biết làm thế nào, thế rồi cả hai đã nghĩ ra một kế hoạch, cô gái đồng ý để cho người con trai kéo về nhà làm vợ. Chuyện đã rồi, phía nhà gái đành phải chấp thuận. Trong thực tế, có rất nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại không được một hoặc cả hai bên cha mẹ đồng ý. Khi cha mẹ đã không đồng ý mà đôi trai gái tự tìm đến sống với nhau thì không những bị coi là bất hiếu, mà cuộc hôn nhân đó còn không được cộng đồng chấp nhận. Thế nên tục "kéo vợ" có thể được coi là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Khi đó, cặp đôi sẽ bàn cách tiến tới hôn nhân bằng tục "kéo dâu", bằng cách nhờ cậy những ông chú, bà thím, bà cô, ông cậu, anh em, bạn bè... làm nội ứng, thống nhất kế hoạch "kéo dâu" để hợp lý hóa cuộc hôn nhân.
Tập tục này được Tô Hoài miêu tả rất sắc nét trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Mị là cô gái đẹp, thổi kèn hay, nhiều người mê Mị, trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Tết năm ấy, con trai thống lý Pá Tra đã đánh lừa, lợi dụng tục này cướp Mị về làm vợ “Một đêm khuya, Mị nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hò hẹn của người yêu. Mị hồi hộp lặng lẽ quơ tay lên thì gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ, sờ một ngón thấy có đeo nhẫn. Người yêu của Mị thường đeo nhẫn ngón tay ấy. Mị bèn nhấc tấm vách gỗ. Một bàn tay dắt Mị bước ra. Mị vừa bước ra, lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mị rồi bịt mắt, cõng Mị đi.” Mị đã mất đi quyền được sống, được yêu, mất đi chính mình từ khoảnh khắc ấy. Có chăng phong tục này cũng có những điểm không phù hợp, khiến chúng ta trăn trở về nó? Có chăng tập tục này không còn phù hợp với xã hội hiện nay?
Trong thế giới hiện đại, người phụ nữ có quyền lựa chọn bạn đời theo ý muốn của họ. Tục bắt vợ có thể xem như một sự can thiệp vào quyền tự do cá nhân và quyền lựa chọn của người đó. Bên cạnh đó, tập tục này thường dựa trên giả định về vai trò xã hội của nam giới và nữ giới, đồng thời tạo ra sự không bình đẳng giới trong mối quan hệ gia đình. Xã hội hiện đại đang tập trung vào việc thúc đẩy bình đẳng giới và loại bỏ những thực tiễn gây ra sự bất bình đẳng. Trong một mối quan hệ hôn nhân, tình yêu, tôn trọng và tương tác xã hội là yếu tố quan trọng. Tục bắt vợ có thể đặt ra mối quan hệ mà các yếu tố này không được đặt lên hàng đầu. Mỗi người đều cần có không gian để phát triển và thể hiện bản thân, và tục bắt vợ có thể sẽ đặt ra những rào cản trong việc thực hiện quyền này. Trong xã hội ngày nay, có nhiều văn hóa, tôn giáo và giá trị khác nhau và tục bắt vợ khó có thể phản ánh hết được sự đa dạng và đa chiều của xã hội hiện đại. Việc hình thành mối quan hệ dựa trên tình yêu và sự lựa chọn riêng biệt có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội bằng cách tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và thúc đẩy hạnh phúc cá nhân. Tóm lại, tục bắt vợ không còn phù hợp trong thời đại hiện nay vì nó không tương thích với các giá trị bình đẳng, quyền tự do cá nhân và tình yêu trong mối quan hệ hôn nhân.
Điều đáng buồn hơn cả là hiện nay tập tục đang bị biến tướng, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự xã hội. Nhiều người còn lợi dụng tục này để tổ chức đám cưới cho nam nữ chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình. Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy ở các tỉnh cũng phát hiện các trường hợp lợi dụng tục bắt vợ để lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc. Cứ đưa một phụ nữ sang Trung Quốc trót lọt sẽ được người bên kia (Trung Quốc) trả công 3.000 nhân dân tệ (có thể tùy thuộc vào giao dịch). Thay vì mang tính nhân văn như ban đầu, phong tục này đang bị lạm dụng; nhiều trường hợp đã trở thành hành vi cưỡng ép, bắt giữ người trái pháp luật mà nạn nhân là các thiếu nữ. Nhiều nữ sinh mới 13 - 15 tuổi, đang học THCS, về nhà nghỉ dịp lễ, Tết đã bị bắt làm vợ. Các em vẫn muốn tiếp tục con đường học tập của bản thân, nhưng trớ trêu thay, các em lại bị hủ tục này cướp đi quyền tự chủ cuộc đời mình. Từ những ước mơ cao cả như: xuống thành phố học đại học, làm cô giáo, bác sĩ,... nay chỉ thu bé lại vỏn vẹn trong bốn bức tường, với những công việc nhà, đồng áng chồng chất, ở cái tuổi thiếu nữ trăng tròn mơ mộng ấy nhưng lại gánh trên vai trách nhiệm của một người mẹ với đàn con thơ theo sau. Một cô giáo dạy THCS ở H.Kỳ Sơn (Nghệ An) đã bật khóc khi kể về một học trò giỏi, có ước mơ học lên đại học, được cô rất kỳ vọng. Nhưng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh này đã bị bắt về làm vợ ở tuổi 15 khiến giấc mơ ấy bị đứt gánh giữa đường. “Bắt vợ” không chỉ ảnh hưởng xấu đến nòi giống do nạn tảo hôn, sinh con ở tuổi vị thành niên, nó còn có nguy cơ biến thành hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do hôn nhân của người khác. Nhiều trường hợp việc “bắt vợ” của người đã thành niên với người dưới 16 tuổi dẫn đến tội giao cấu với trẻ em. Những hành vi kìm hãm, bắt ép và đối xử tệ với phụ nữ vẫn còn diễn ra trong cuộc sống ngày nay. Con người luôn cần đổi mới và phát triển và phụ nữ cũng vậy, đừng nên dùng những định kiến vô lý đó để cản bước sự phát triển của họ.
Tóm lại, tập tục này xét theo nhiều phương diện thì vừa có tốt lại vừa có xấu. Thực tế tục bắt vợ này giống như một vụ bắt cóc thật sự nếu việc này diễn ra mà không có sự đồng ý của người phụ nữ. Họ bị ép buộc phải trở thành vợ của người khác ở độ tuổi còn rất trẻ, thậm chí chưa đủ tuổi kết hôn, hay phải kết hôn với người mà mình không hề yêu và có khi chưa hề quen biết. Thế nhưng tục lệ này vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay bởi quan điểm hôn nhân trong các gia đình. Trong xã hội hiện đại này, khi mọi thứ dần trở nên đắt đỏ, con người ta cũng có yêu cầu cao hơn nên việc chuẩn bị cho đám cưới cũng tiêu tốn rất nhiều tiền. Nhưng đến với những vùng đất này, nơi có tục bắt vợ, các cặp đôi có thể vượt qua rào cản về tiền bạc, tài sản, địa vị xã hội để đến với nhau miễn là tình yêu dành cho nhau đủ lớn. Có thể nói, việc tục “bắt vợ” có trở thành hủ tục hay không phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Giữa miền xuôi và miền ngược vẫn còn tồn tại những định kiến và sự đứt gãy văn hóa, vì vậy chúng ta không thể đứng ở một góc nhìn mà đánh giá tập tục là tốt hay xấu. Chúng mình tin rằng không có hệ quy chiếu chính xác nào cho việc một tập tục tốt hay xấu mà chỉ có phù hợp hay không phù hợp với quan điểm mỗi cá nhân. Bạn nghĩ gì về tập tục này? Hãy chia sẻ với chúng mình nhé!
Tác giả: Minh Châu, Diệu Hương
_________________________________________________________