“Cuốn sách bị phủ bụi nằm trên kệ sách đã lâu. Hiếm có dịp mà em đọc lại “Căn phòng riêng” của Virginia Woolf. Nhưng mỗi lần đọc lại đều là một cảm xúc giống nhau – “đây không chỉ là những dòng chữ đơn thuần về nữ quyền hay bất bình đẳng giới”. Hơn thế, văn học cũng được Virginia đề cập đến trong “Căn phòng riêng”. Nhưng tại sao lại là “căn phòng riêng”? Tại sao Virginia lại kiên quyết khẳng định rằng “Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng của riêng mình?” Đó là cả một bầu trời đầy trăng sao bí ẩn. Chà, như thế ta sẽ có nhiều thứ để khai thác trong bài kỳ này lắm, vậy nên bạn đọc hãy tìm một “căn phòng riêng” để chúng ta cùng nhâm nhi nhé!”
Đôi dòng về cuộc đời của Virginia Woolf
Nói về cuộc đời của Virginia, ta có thể ví nó như một tấm bi kịch xen lẫn nhiều bước ngoặt ly kỳ. Virginia Woolf được sinh ra trong một gia đình trí thức, cha cô là một nhà phê bình văn học còn mẹ cô là con gái của dòng họ có tiếng trong ngành xuất bản. Với sự ra đi liên tiếp của các thành viên trong gia đình, từng bị lạm dụng tình dục bởi người anh ruột và gặp nhiều vấn đề về tâm lý, Virginia gần như phát điên và quyết định tự chọn kết thúc cho cuộc đời mình sau này ở tuổi 59.
Tuy nhiên, không vì thế mà Virginia từ bỏ niềm đam mê với văn học. Virginia Woolf – với trí tuệ và đam mê của mình, đã trở thành một trong những nhà văn hiện đại lừng danh nhất thế kỷ XX đến mức Virginia còn từng được ví như “em gái của Shakespeare”.
“Căn phòng riêng” trông như thế nào?
“Căn phòng riêng” là một cuốn tiểu luận của Virginia Woolf và được xuất bản vào năm 1929. Cuốn sách được hình thành từ loạt bài thuyết trình của Virginia tại trường Newham College và Girton College, vốn là hai trường cao đẳng dành cho phụ nữ tại Đại học Cambridge lúc bấy giờ. Và với bối cảnh đầy rẫy những rào cản và định kiến với phái nữ, “Căn phòng riêng” thực sự đã mang một tính công phá lớn khi đánh thẳng vào vấn đề then chốt về phụ nữ với văn học: “Liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên các tác phẩm tầm vóc như của Shakespeare không?” Câu hỏi này không đơn thuần là một câu hỏi giả định, bởi nó khiến ta phải nhìn nhận và đánh giá lại về vị trí, vai trò và năng lực của phái nữ trong văn học. Như thế, điều cần thiết là ta phải loại bỏ những định kiến “tự nhiên” đối với người phụ nữ.
Những câu chuyện đầy rẫy sự bất công
Ngày nay, thư viện là một điểm đến không thể thân thuộc hơn với chúng ta. Bất cứ ai, từ già đến trẻ, đều có thể đến thư viện để nghiên cứu và đọc sách. Nhưng ở thời của Virginia, phụ nữ nếu muốn vào thư viện thì cần phải có giảng viên đại học đi kèm hoặc có thư giới thiệu. Hãy thử tưởng tượng điều này tồi tệ và phiền phức đến mức nào. Rõ ràng là cùng một môi trường, cùng một lứa tuổi hay thậm chí là cùng có năng lực như nhau nhưng phụ nữ lại bị đối xử phân biệt hơn. Ta dễ thấy rằng năng lực của phụ nữ luôn bị đánh giá thấp, rằng nam giới luôn chiếm một vị trí ưu tiên trong giới học thuật nói chung và văn học nói riêng. Phần vì phụ nữ thời ấy khó có thể được đi học, và người ta nghiễm nhiên thấy việc học với phụ nữ là không cần thiết.
Và trong văn học, không chỉ bản thân người phụ nữ bị chèn ép mà những con chữ của họ cũng bị đè nén. Văn phong của phụ nữ thường được gắn với sự ủy mị, hoa mỹ, và nếu họ có viết tiểu thuyết, người ta cũng cho rằng tiểu thuyết của họ chỉ xoay quanh tình yêu và cuộc sống gia đình mà thôi. Tuy nhiên, đôi khi mọi thứ không xảy ra trực tiếp như thế. Khi phụ nữ viết văn, chính bởi định kiến xã hội mà họ – hoặc là e ngại trong lối viết hoặc cố gắng phá cách để không bị coi là “ủy mị, hoa mỹ và tầm thường”. Thật đáng tiếc thay khi nhiều tác phẩm văn học của phụ nữ, trong đó có cả của Virginia Woolf, thường bị đánh giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị mà nó mang lại!
Nhận định của Virginia với phụ nữ và văn học
Nhận định của Virginia Woolf về việc phụ nữ cần có tài chính để đạt được sự tự do trí tuệ trong văn học được thể hiện qua tác phẩm “Căn phòng riêng”. Trong tác phẩm, cô nhấn mạnh rằng để phụ nữ có thể sáng tạo thoải mái trong văn chương thì họ cần có điều kiện vật chất và tài chính đầy đủ, điều đó được lưu ý rằng phụ nữ nên có một căn phòng riêng và tiền tiết kiệm để họ có một không gian riêng sáng tạo cho đam mê, không cần phải lo lắng về việc tiền bạc. Ngoài ra, việc độc lập tài chính ở phụ nữ trong tác phẩm không chỉ gói gọn ở việc có tiền để mua sách và bút mực để phục vụ cho đam mê mà còn là về vấn đề về tính công bằng xã hội. Ở xã hội đó, nơi phụ nữ ít được ưu ái và không có quá nhiều cơ hội kiếm tiền nên điều đó đã góp phần vào việc hạn chế sự sáng tạo, học hỏi và hiểu biết ở phụ nữ. Virginia Woolf đã nhận ra được điều đó và có lẽ cô đã hiểu rằng tài chính độc lập không chỉ giúp phụ nữ có sự tự do về vật chất mà còn giúp họ không còn rào cản ở độc lập trong suy nghĩ, tư duy cứng cỏi và giải phóng sự sáng tạo bị kèm cặp.
Phần hay chính là sự tương phản giữa thế giới thực của Virginia Woolf và thế giới văn học của cô. Ở thế giới thực là nơi thiếu sự cân bằng, ít ưu ái phụ nữ, thiếu tính đa dạng trong cuộc sống vì không cân bằng sự công nhận đến từ hai giới tính nhưng ở thế giới văn học của cô, đó là nơi đón nhận những người thông thái, có chiều sâu văn học dù cho có giới tính nào đi chăng nữa. Virginia Woolf cho rằng người viết văn cần có một “khối óc lưỡng tính”, tức nghĩa là khả năng hiểu và diễn đạt đa dạng với nhiều khía cạnh hơn, đặc biệt là không hạn chế về vấn đề niềm tin và giới tính. Cô cho rằng khi mang khối óc lưỡng tính thì người viết văn sẽ dễ dàng nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau điều đó giúp họ có thể tạo ra những nhân vật nữ và nam giới đa chiều và phong phú hơn. Thế nên trong các tác phẩm của cô nhân vật nữ tồn tại không chỉ về mặt giới tính mà còn cùng các khía cạnh phức tạp khác như cảm xúc, suy tư, hành động và điều đó đã góp phần đánh bại những kiểu mẫu hẹp hòi và định kiến vai trò giới tính trong văn học.
Đối diện với những thách thức và rào cản trong việc thể hiện bản thân và tiềm năng sáng tạo, phụ nữ vẫn đang tìm kiếm cho mình một không gian riêng, một “căn phòng” để họ có thể tự do tư duy và sáng tạo mà không bị gián đoạn bởi áp lực xã hội và chuẩn mực giới tính. Từ việc tranh đấu cho quyền tự do cá nhân đến việc chống lại những kỳ thị và phân biệt đối xử, phụ nữ ngày nay vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình để đạt được sự độc lập và tự do trí tuệ mà Woolf đã mơ ước. Qua thông điệp trên, VFSA muốn cho thấy rằng dù ở thời đại nào đi chăng nữa, phụ nữ vẫn luôn rất anh dũng, sáng tạo, độc lập và mỗi người phụ nữ đều có thể trở thành bất cứ điều gì nếu họ muốn, không chỉ dừng lại là Virginia Woolf với công cuộc xóa bỏ bất bình đẳng giới trong nền văn học thế giới mà còn có thể bay cao và xa hơn nếu bản thân cho phép.
Tác giả: Ngô Thị Thảo Ngọc, Trương Quỳnh Như.
_____________________________________________________
Để lại một bình luận